Ngày 11/12/2021, Diễn đàn Quốc gia phát triển Doanh nghiệp công nghệ số lần thứ 3 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đây là sự kiện lớn nhất trong năm dành cho các doanh nghiệp công nghệ số, cộng đồng nghiên cứu phát triển công nghệ, các nhà quản lý và đầu tư.
Chủ đề của diễn đàn năm nay là Chuyển đổi số – Động lực phục hồi và phát triển kinh tế, diễn ra theo hai phiên tham luận. Sự kiện có sự góp mặt của đại diện tập đoàn FPT, VNPT, Viettel, công ty CyRadar, Viet Lotus…
Tại sự kiện, đại diện cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, ông Đỗ Huy Bình (Kurt Bình), nhà sáng lập và CEO của công ty Smartlog đã có bài phát biểu chuyên đề Xây dựng nền tảng số Quốc gia cho phát triển toàn diện lĩnh vực logistics – “mạch máu” của nền kinh tế.
Ông Kurt Bình cho biết nhiều năm trước, không ai nghĩ Việt Nam có thể tạo ra những sản phẩm, phần mềm logistics có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với thế giới, không chỉ cung cấp riêng cho các công ty nội địa mà còn vươn ra toàn thế giới.
“Trong đó, tinh thần dân tộc số, ý chí và sự kiên định sẽ dẫn chúng ta đi đến thành công”, ông nhấn mạnh.
Theo CEO chia sẻ, logistics như một “mạch máu” quan trọng, có ảnh hưởng cực kỳ to lớn đối với nền kinh tế. Giai đoạn đứt gãy chuỗi cung ứng trong đợt dịch vừa qua đã có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận hành của các doanh nghiệp cũng như đời sống hàng ngày của người dân. Chi tiêu cho ngành này chiếm hàng chục tỷ USD, nhưng vẫn tồn đọng nhiều hạn chế. Cần những hành động mạnh mẽ hơn giúp xây dựng một nền tảng số tốt hơn cho ngành logistics.
Trong bài phát biểu, CEO Kurt Bình đã chỉ ra những thực trạng của ngành logistics tại Việt Nam. Ông nhận định logistics Việt còn phân mảnh, thiếu sự liên kết sâu và rộng. Thứ hai là lãng phí phương tiện. Thứ ba là chuyển đổi số thiếu đồng nhất.
Là một chuyên gia logistics với vốn kinh nghiệm dày dặn, ông đã đưa ra nhiều minh chứng thực tế cho những nhận định này. Ví dụ, một doanh nghiệp, tài xế có thể dùng hàng chục ứng dụng logistics khác nhau, thể hiện sự kém hiệu quả. Ngoài ra, sự bùng nổ của thương mại điện tử gây ra hệ luỵ là lưu lượng xe vận chuyển ngày càng nhiều, khiến tắc nghẽn, khí thải, tai nạn, quy hoạch hạ tầng… (phí tổn ngoại biên).
“Doanh nghiệp không thể tự giải quyết mà cần sự hỗ trợ của Nhà Nước để giảm thiểu các tác động đó, trong đó chuyển đổi số là một giải pháp, hoạch định dựa trên dữ liệu. Cần xây dựng một tầm nhìn mới về nền tảng số Quốc gia cho ngành logistics”, ông Bình đề xuất.
Tiếp đó, đại diện Smartlog nhấn mạnh 4 tiêu chí quan trọng với một thái độ quyết đoán: “Chuyển đổi số cần nhanh hơn, xanh hơn, tốt hơn, được hợp tác và chia sẻ tốt hơn”.
Cuối bài phát biểu, “Smartlog đề xuất bộ khung Gass (Government as a Service).Theo đó, Chính phủ như một dịch vụ tạo ra nền tảng để các bên đấu nối và chia sẻ ngược lại, đó là điều vô cùng quan trọng. Đặc biệt ứng dụng AI, blockchain để kiểm soát dữ liệu tốt hơn”, chuyên gia logistics kết luận.
Trong danh sách doanh nghiệp công nghệ nhận nhiệm vụ chuyển đổi số Quốc gia được công bố, Smartlog vinh dự trở thành đơn vị nòng cốt được Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu phát triển nền tảng tối ưu hoá chuỗi cung ứng trong năm 2022. Đây là động lực rất lớn để Smartlog tiếp tục xây dựng, phát triển các giải pháp sáng tạo và các ứng dụng mang tầm ảnh hưởng Quốc gia, thúc đẩy chuyển đổi số chuỗi cung ứng và đẩy mạnh sự phát triển nền kinh tế số của cả Quốc gia.
(Nguồn thông tin từ Smartlog)